Muốn học bài mau thuộc nhất thiết phải học có phương pháp. Qua các
chương trước chúng tôi đã trình bày một số phương pháp để giúp bạn trong
việc học bài sao cho mau thuộc. Trong chương này xin hướng dẫn bạn đi
sâu vào chi tiết hơn khi thực hiện các phương pháp ấy.
1. Ghi thành dàn bài:
Thực tế có nhiều bạn chỉ nghe nói ghi dàn bài, nhưng chưa rõ phương thức ghi cụ thể ra sao.
- Trước tiên bạn đọc toàn bài môn bạn đang học 1 lần - 2 lần - hoặc cũng có thể là 3 lần. Ðến lúc bạn nắm chắc yêu
cầu bài mới thôi. Vì có hiểu sơ bộ bài, bạn mới lập được dàn bài. Bạn
chia nội dung toàn bài thành 3 phần chính (Ví dụ là A - B - C). Trong
phần A - có nhiều mục nhỏ, bạn có thể sắp xếp các mục nhỏ ấy gọi là
"tiêu đề" bằng những chữ số:1, 2, 3...
- Và tiếp theo các phần B-C cũng thế. Phần nào cũng có những tiêu đề riêng.
- Nhưng trong mỗi phần đều có những yêu cầu quan trọng của nó. Bạn
nên ghi nhận cụ thể các phần quan trọng ấy trong mỗi phần của dàn bài,
có thể gạch dưới hoặc viết đậm để dễ nhớ.
- Ðã có dàn bài chi tiết rồi sẽ là điều kiện giúp bạn dễ dàng việc học bài sau đó.
2. Nhẩm trong óc:
Bạn hệ thống bài bằng cách "nhẩm trong óc" nhẩm từng phần một của
dàn bài, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem lại. Bạn cứ tiếp
tục nhẩm sang phần khác và đừng quên các phần quan trọng đáng ghi nhớ,
đừng bỏ sót một chi tiết nào. Lần lượt như vậy cho đến hết toàn bài.
- Lần thứ hai, bạn bắt đầu nhẩm lại tất cả có hệ thống toàn bài hơn.
- Lần này bạn ghi nhận phần đã bị quên. Bạn mở sách xem lại, ghi ra
giấy hoặc đánh dấu những phần đó. Bạn tìm ý những chỗ quên sót để rồi
học lại cho nhuần nhuyễn.
- Lần thứ ba, bạn hệ thống lại bài và bạn đặt thành câu hỏi rồi tự
giải quyết trong óc câu hỏi ấy. Bạn xem lại việc trả lời có thông suốt
phân minh chưa. Nếu chỗ nào vướng mắc lật dàn bài ra xem.
* Một bài học gọi là được nắm chắc là khi bạn:
- Trả lời gãy gọn các câu hỏi đặt ra.
- Hiểu bài thông suốt từng phần cũng như toàn bài.
- Nắm vững trọng tâm bài học một cách chuẩn xác. Nếu là môn học như
Toán - Lý- Hóa- Sinh thì các quy tắc các công thức, các định lý, định
đề... bạn phải thuộc thật nhuần nhuyễn mới được.
Môn Văn: Cần ghi nhớ các tên và tiểu sử tác giả. Thuộc kỹ các bài
thơ, các đoạn văn xuôi, chọn lọc và nhớ bài thơ này của tác giả nào, bài
văn kia tác giả là ai. Tránh tình trạng lộn xộn, lẫn tên tác giả này
với tác giả khác, hoặc bài văn xuôi mà lại ghi tên tác giả là một nhà
thơ v.v...
Các phần văn xuôi hay thơ, bạn đều phải nắm bố cục chặt chẽ, chủ đề
tư tưởng và nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng. Ngoài ra bạn nên trích
dẫn những đoạn văn hay, bài thơ hay, ghi vào sổ tay bạn để dễ học thuộc.
Thuộc nhiều thơ văn để tạo vốn từ phong phú khi làm bài.
Môn Sử, Ðịa: Cần nắm rõ đặc thù từng môn để dễ học.
- Sử: Cần nhớ chính xác các mốc thời gian của sự kiện và luyện cách phân tích tổng hợp để rút ra được những bài học lịch sử một cách chính xác.
- Ðịa: Nắm rõ đặc điểm địa thế từng bước từng vùng, tên sông, tên núi, nguồn tài nguyên khoáng sản.v.v...
3. Ghi ra giấy:
Ngoài cách ghi thành dàn bài chi tiết, bạn có thể ghi riêng ra
giấy. Nhất là những công thức, những định lý, định đề. Từ giấy xếp lại
bỏ túi để lâu lâu khi cần nhẩm lại, nếu quên bạn có thể mở ra xem.
Nhưng phải ghi bằng cách nào?
Ghi những điểm chính yếu nhất, còn điều quan trọng là bạn phải học thuộc.
Nói tóm: Khi ghi bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, sao cho khi mở
trang giấy ra nhắc nhở bạn hệ thống bài học bằng trí nhớ và một cách
hoàn hảo mà không cần mở sách.
Tránh ghi rườm rà, dư thừa, vừa mất thời an vô mà ích lại phí sức.
Nói chung làm thế nào để bạn có thể tổng hợp các phương pháp (nhẩm nhớ -
ghi chép - và lập dàn bài) sao cho tạo được điều kiện để bạn đọc bài
mau thuộc đó là đíều quan trọng nhất.
Một điểm nữa là bạn phải hết sức sử dụng các phương pháp ấy thật
hài hòa và kết hợp chặt chẽ để việc học tập của bạn có kết quả mỹ mãn
theo ý muốn. Không nhất thiết phải áp dụng tất cả các phương pháp mà tùy
khả năng vận dụng cho phù hợp.
Nguồn internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét